Bạn thân mến, 

Hiện nay, sức khỏe người Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thực phẩm bẩn, thức uống hóa học, môi trường ô nhiễm… Song song đó, guồng quay tất bật của cuộc sống và công việc khiến mọi người dễ bị mất cân bằng năng lượng,  từ đó mất đi sự bền vững trong các mối quan hệ và đời sống riêng tư. 

Đặc biệt là người trẻ từ 25 – 35 tuổi – lực lượng lao động chính của Việt Nam lại không thể theo đuổi được xu hướng sống của thế giới: Sức Khỏe Toàn Diện (Health & Wellness).

Nhìn lại hành trình học cách quản lý năng lượng tâm-thân-trí của chính mình, tôi hiểu rằng nếu không có năng lượng bền vững mỗi ngày, thì không thể đạt được sức khỏe toàn diện. Chỉ khi nguồn năng lượng hài hoà, thì một sức khỏe tốt và một sự tự do trong tâm trí sẽ được khởi đầu.

Tại cộng đồng O.N.E, chúng tôi cung cấp giải pháp rất đơn giản dựa trên:

● Ăn uống hữu cơ – Đo lường năng lượng và dinh dưỡng phù hợp với bản thân

● Tập luyện thể dục – thư giãn mỗi ngày

● Thực hành và chia sẻ những sự thay đổi tích cực nhỏ nhặt hằng tuần

Nếu bạn đang theo đuổi phong cách sống hiện đại để theo đuổi đam mê và gặt hái thành công, nhưng cần một nguồn năng lượng bền vững để khoẻ và đẹp từ thể chất đến tinh thần, hãy đồng hành cùng tôi và cộng đồng O.N.E nhé.

“Yêu năng lượng bản thân” là cách đơn giản nhất để có một cơ thể và tâm trí khỏe mạnh và để sống trọn đam mê một cách bền vững!

– Tyna Huỳnh

YOGA ĐỂ TĂNG NĂNG LƯỢNG – SĂN CƠ – GIẢM MỠ NGÀY 5

YOGA TĂNG NĂNG LƯỢNG – SĂN CƠ – GIẢM MỠ NGÀY 5

 

1. Danh mục các bài tập

  • Ngồi tĩnh tâm và thở  
  • Chào Mặt Trời 
  • Nâng Chân
  • Cá Heo – Plank
  • Chuỗi tư thế Chó Úp Mặt – Cây Thước Thẳng – Chó Ngửa Mặt
  • Chuỗi tư thế Chó Úp Mặt – Cây Thước Thẳng – Chaturanga- Chó Ngửa Mặt
  • Half Push-up (chống đẩy, gối chạm sàn)
  • Chuỗi tư thế Ngồi Làm Việc – Cái Bàn Ngược
  • Tư thế Lạc Đà
  • Thư giãn sâu

2. Lưu ý quan trong cho mỗi buổi tập

Trước khi bắt đầu mỗi buổi tập, có 4 điều quan trọng sau đây mà Tâm muốn nhắc đi nhắc lại giúp anh chị khắc sâu:

Thứ nhất, hãy làm cho tâm trí lắng dịu, định tĩnh. Vì sao vậy?

Vì nếu chúng ta tập với tâm trí đầy những suy nghĩ và cảm xúc hỗn độn thì năng lượng bị tiêu hao nhiều, không đủ sức cho cơ bắp hoạt động. Hơn thế nữa, nếu chúng ta có nhiều cảm xúc như lo lắng, bất an, tức giận, sợ hãi…thì cơ thể sinh ra khí dơ và khí độc. Vận động cơ thể làm cho khí huyết đẩy đi khắp cơ thể vô tình đưa khí dơ và khí độc đi khắp cơ thể gây hại cho cơ thể. 

Thứ hai, hãy thư giãn luôn luôn trong suốt buổi tập

Việc thư giãn giúp cho khí huyết lưu thông dễ dàng, còn căng thẳng gây co rút cơ và tắc khí. Căng thẳng cũng làm hơi thở bị hạn chế khiến oxy hấp thu vào cơ thể bị thiếu gây ra mệt và đau cơ trong và sau buổi tập.

Thứ ba, hông tập khi quá no hoặc quá đói

Hoặc ngay sau khi ăn. Khi ăn quá no năng lượng tập trung cho việc tiêu hoá chứ không cho cơ bắp, còn khi quá đói thì không đủ năng lượng để tập. 

Thứ tư, không uống nước trong khi tập

Mà hãy cách buổi tập ít nhất 15 phút để tốt cho tim mạch và tạo nội nhiệt có lợi cho cơ thể

3. Tại sao phải tập những bài này?

Các bài tập của ngày hôm nay lặp lại bài tập của ngày hôm trước. Việc lặp đi lặp lại một bài tập giúp chúng ta thực hiện bài tập tốt hơn, chuẩn hơn, thành thục hơn và nhờ vậy mà thể lực cũng được tăng dần lên. Việc tăng dần cường độ bài tập giúp quí vị tăng thể lực mà không gây đau mỏi cơ và chấn thương.

Bài tập hôm nay có thêm 2 bài mới so với ngày 4 đó là chuỗi tư thế Cái Bàn Ngược và tư thế Lạc Đà.

Những bài tập trước chủ yếu được thực hiện trong thế chống tay và sấp người vì vậy nhóm cơ phía trước được tập luyện như cơ ngực, bụng, đùi trước, và cánh tay. Trong bài tập ngày hôm nay, các anh chị sẽ được tập luyện cho phần cơ phía sau gồm cơ vai sau, cơ lưng, mông và đùi sau, và cả cánh tay.

Ngoài ra, chuyển động gập về trước, ngã ra sau nhịp nhàng, kết hợp với hơi thở sâu và chậm cũng giúp tác động đều lên các trung tâm năng lượng trên cơ thể, giúp chúng hoạt động cân bằng, điều chỉnh cân bằng các chức năng của cơ thể và tâm trí.

Cuối cùng là tư thế Lạc Đà. Nếu như chúng ta tập cho các nhóm cơ phía trước nhiều thì chúng có xu hướng co rút lại. Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta thường có xu hướng khòm lưng, đổ vai về trước, nhất là dân văn phòng phải ngồi làm việc nhiều với máy tính nên các nhóm cơ phía trước cũng có xu hướng co rút và cứng lại. Tư thế Lạc Đà giúp chúng ta kéo dãn nhóm cơ phía trước, đồng thời làm mạnh các nhóm cơ phía sau giúp cho cơ thể chúng ta cân bằng, cân đối, cột sống khoẻ mạnh, cải thiện chất lượng hơi thở, chữa lành những cơn đau mỏi cổ vai gáy.

4. Hướng dẫn thực hiện tư thế

Ngồi tĩnh tâm

Ngồi chéo chân trên thảm, thẳng lưng, kéo 2 vai ra sau, giữ đầu cổ và lưng thẳng hàng, thư giãn trong tư thế này. Thư giãn cho đến khi hơi thở tự nhiên trở nên nhẹ nhàng, thông suốt, đi sâu xuống bụng một cách dễ dàng. Chúng ta ngồi để ý hơi thở tự nhiên vào và ra liên tục như vậy với sự thư giãn cho tới khi tâm trí trở nên định tĩnh, lắng dịu

Tập thở:

Trước tiên, ta tập thở bụng. Nương theo hơi thở tự nhiên, ta kéo dài hơi thở vào và ra thêm một chút, rồi từ từ tăng dần độ dài và độ sâu của hơi thở sao cho hơi thở sâu, chậm nhưng vẫn thoải mái. Ban đầu, ta tập trung vào vùng bụng dưới, hít vào bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống. 

Bước tiếp theo ta tập hít thở sâu hơn nữa, thở cả bụng và ngực. Hít vào làm căng bụng, hít sâu hơn nữa làm căng ngực. Sau đó thở ra làm xẹp bụng, thở hết hơi ra làm xẹp ngực. Trong khi hít thở sâu như vậy, ta vẫn duy trì sự thư giãn, thoải mái. 

Khi đã quen với việc hít thở sâu cả bụng và ngực rồi thì ta tập giữ hơi để giúp hấp thu nhiều hơn lượng oxy vào máu và giúp tâm trí yên tịnh. Hít vào sâu bụng phình lên, ngực phình lên và giữ hơi vài giây, đừng cố gắng quá mức. Sau đó thở nhẹ ra, bụng xẹp xuống, ngực xẹp xuống. Rồi lại hít vào phình bụng, phình ngực, giữ hơi. Kết thúc tập thở sâu, ta thở ra hết hơi rồi thư giãn, thở tự nhiên một lúc.

Chào mặt trời:

Đầu tiên, ta tập đứng trong tư thế đúng:

  • Đứng về phía đầu thảm, cách mép thảm khoảng 2 bàn chân.
  • Đứng với 2 bàn chân song song với nhau, ấn đều 4 góc của bàn chân xuống sàn. Khép sát 2 bàn chân vào nhau hoặc tách hờ một chút.
  • Rút cơ đùi lên cao. 
  • Cuộn mông xuống để giấu xương đuôi vào trong đồng thời rút xương mu lên sao cho thắt lưng dài ra.
  • Nâng xương ức lên cao cho cơ bụng dãn ra.
  • Kéo 2 vai ra sau, cảm nhận cơ ngực dãn ra, lồng ngực mở rộng.
  • Kéo dài cổ sau lên, giữ đầu cổ và lưng thẳng hang trên trục thẳng đứng.
  • Giữ tư thế đứng đúng và thả lỏng cho tới khi hơi thở nhẹ nhàng thông suốt.

Khi cơ thể đã thư giãn, hơi thở thông suốt, ta bắt đầu bài tập chào mặt trời:

  • Hít vào, thở ra, 2 tay chắp trước ngực.
  • Hít vào đồng thời 2 tay vươn dài lên cao, nâng ngực lên trời, uốn cong lưng trên, lưng dưới giữ thẳng.
  • Thở ra đồng thời gập hông về trước cho đến khi tay chạm sàn, ngang với 2 bàn chân, lưng thẳng, chân thẳng.
  • Hít vào đồng thời bước chân phải dài ra sau, duỗi bàn chân phải, chân trái vuông góc với sàn nhà, lưng thẳng, tay chạm sàn.
  • Giữ hơi, bước chân trái ra sau ngang chân phải, siết đùi, cuộn mông, thắt lưng thẳng, tay chống vuông góc với sàn nhà, bàn tay xoè căng, đầu, cổ và lưng thẳng hàng, mặt nhìn xuống sàn.
  • Thở ra đồng thời hạ gối chạm sàn, ngực chạm sàn, trán chạm sàn, cẳng tay thẳng đứng, khép khuỷu tay vào eo, mở vai dãn cơ ngực.
  • Hít vào duỗi dài toàn thân, chống tay nâng ngực lên, rốn chạm sàn, vai mở ra sau, uốn cong lưng trên (rắn hổ mang).
  • Thở ra, chống thẳng tay, chuyển trọng tâm ra sau, chân thẳng, lưng và tay thẳng hàng, đầu thả lỏng, 2 bàn chân song song, gót chạm sàn (chữ V ngược).
  • Hít vào, chuyển trọng tâm về trước, bước chân phải về ngang với 2 bàn tay, chân phải vuông góc với sàn nhà, hạ gối trái, duỗi bàn chân, nâng ngực, thẳng lưng.
  • Thở ra, chuyển trọng tâm lên chân trước, bước chân sau về ngang với chân trước, ư bàn chân song song, khép sát hoặc khép hờ, gập hông, tay chạm sàn.
  • Hít vào, nâng tay qua đầu, thẳng hàng với lưng, nâng cả lưng và tay lên cao, cuộn mông xuống để giữ thắt lưng thẳng, nâng ngực lên trời, tay mở hết ra sau.
  • Thở ra, đứng thẳng và hạ tay xuống về tư thế đứng ban đầu.

Nâng Chân:

  • Nằm ngửa trên sàn, 2 chân khép sát, bàn chân dựng đứng, vuông góc với sàn nhà, 2 tay xuôi theo thân người, bàn tay áp xuống sàn
  • Cuộn mông xuống, kéo dãn thắt lưng, và áp thắt lưng sát xuống sàn để bảo vệ thắt lưng khỏi bị đau, và làm chắc cơ bụng
  • Hít vào, nâng 2 chân lên vuông góc với sàn nhà, giữ chân luôn thẳng, mông chạm sàn đồng thời nâng ngực và đầu lên nhìn vào rốn
  • Thở ra, từ từ hạ chân xuống đồng thời hạ ngực và đầu xuống
  • Lặp lại như vậy 5 đến 10 lần mỗi hiệp, mỗi buổi tập 1 đến 2 hiệp, tăng dần số lần lên theo thể lực

Lưu ý: Sau bài tập nâng chân, ta nằm thư giãn, cảm nhận cơ bụng và lắng nghe hơi thở một lúc đến khi hơi thở quân bình trở lại.

Cá heo:

  • Ngồi trên 2 gót chân, gập người về trước, duỗi dài tay về trước, trán chạm sàn
  • Nâng mông và thân người lên, gối và cẳng tay vẫn chạm sàn
  • Điều chỉnh khuỷu tay sao cho 2 cánh tay trên song song với nhau và vuông góc với sàn nhà
  • Đan 2 bàn tay vào nhau, ấn cạnh bàn tay, cổ tay và cẳng tay sát xuống sàn, giữ cho cổ tay thẳng hàng với cạnh bàn tay và cẳng tay
  • Hít vào, nâng 2 gối, thẳng chân, đẩy mông lên cao hết mức, kéo dài cột sống, lưng thẳng, kéo 2 vai lên cao sao cho đầu không chạm sàn, thu cằm sát về phía cổ
  • Thở ra, đẩy người về trước, lưng thẳng, chân thẳng, nhìn về trước
  • Lặp lại 5 đến 10 lần mỗi hiệp, mỗi buổi tập 1 đến 2 hiệp, tăng dần số lần lên theo thể lực
  • Kết thúc bài tập, ta hạ gối chạm sàn, mông chạm gót, bàn chân duỗi, trán chạm sàn, 2 tay xuôi ra sau, thả lỏng trong tư thế em bé.

Plank:

  • Tương tự bài tập cá heo, ta nâng đỡ thân người bằng cánh giữ cẳng tay, cổ tay, và cạnh bàn tay thẳng, ấn chặt xuống sàng, 2 cánh tay trên song song với nhau và vuông góc với sàn
  • Lưng, mông, và chân thẳng hàng với nhau
  • Cuộn mông xuống, rút cơ bụng lên để giữ thắt lưng thẳng 
  • Ấn tay xuống sàn và nâng cao ngực hết mức có thể
  • Giữ thế càng lâu càng tốt.

Chó úp mặt – Cây thước thẳng – Chó ngửa mặt:

  • Ngồi lên 2 gót chân, gập hông về trước trán chạm sàn, duỗi dài 2 tay về trước, 2 cánh tay song song với nhau, bàn tay xoè căng, các ngón tay hướng thẳng về trước, duỗi dài tay và cột sống
  • Ấn ức bàn chân xuống sàn, nâng mông và 2 đầu gối lên cao, 2 chân thẳng, đạp gót chân xuống sàn, 2 bàn chân song song với nhau
  • Ấn chắc toàn bộ bàn tay xuống sàn, kéo dài tay và cột sốt, tay và lưng thẳng hàng
  • Kéo dãn thắt lưng và bụng dưới, giữ lưng và tay thẳng hàng
  • Giữ tư thế Chó Úp Mặt, hít thở sâu và chậm vài hơi thở
  • Thở ra, đẩy người về trước, 2 tay vuông góc với sàn nhà, lưng mông và chân thẳng hàng, cuộn mông để thắt lưng thẳng (Cây Thước Thẳng)
  • Hít vào đồng thời hạ hông xuống, đẩy ngực về trước và lướt lên trời, vai mở ra sau, ngửa mặt nhìn lên trời
  • Thở ra đồng thời chuyển trọng tâm ra sau, trở về tư thế Chó Úp Mặt, kết thúc một chuỗi của bài tập
  • Lặp lại tương tự 5 đến 10 lần chuỗi bài tập này mỗi buổi tập, và tăng dần lên theo thể lực.

Chuỗi chó úp mặt – Cây thước thẳng – Chaturanga – Chó ngửa mặt

  • Từ tư thế chó úp mặt, hít vào đồng thời đẩy người về trước vào thế cây thước thẳng,
  • Thở ra đồng thời gập khuỷu tay, hạ người thấp xuống sàn nhưng không chạm sàn, cẳng tay thẳng đứng, vẫn giữ cho đầu, cổ, lưng, hông và chân thẳng hàng
  • Hít vào đồng thời chống tay thẳng lên vào tư thế chó ngửa mặt
  • Thở ra đồng thời chuyển trọng tâm ra sau về tư thế chó úp mặt, kết thúc một chuỗi 
  • Lặp lại 5 đến 10 lần chuỗi này mỗi buổi tập, tăng dần lên theo thể lực.

Half Push-Up

  • Bắt đầu bằng tư thế Cây Thước Thẳng với 2 cánh tay chống vuông góc với sàn và song song với nhau, bàn tay xoè căng, các ngón tay hướng về trước sao cho cổ tay thoải mái, lưng, mông và chân thẳng hàng
  • Hạ gối chạm sàn, vào tư thế chuẩn bị
  • Hạ ngực xuống, cẳng tay thẳng đứng đồng thời hít vào (bước 1)
  • Khi ngực gần chạm sàn thì dừng lại, giữ hơi và chống tay đẩy người lên và thở ra (bước 2)
  • Lặp lại bước 1 và 2
  • Mỗi buổi tập có thể tập 2 đến 3 hiệp, mỗi hiệp 5 đến 10 lần.

Chuỗi tư thế Cái Bàn Ngược

  • Hai chân tách rộng bằng hông
  • Bàn chân dựng đứng
  • Hai tay chống ngang mông, bàn tay xoè ra
  • Mở vai nâng ngực lên
  • Chống tay và nâng mông lên cao
  • Hít vào cuộn mông xuống và nâng hông lên,  ngã đầu ra sau hết cỡ 
  • Thở ra, hạ mông xuống về vị trí cũ giữa hai tay.

Tư thế Lạc Đà

  • Ngồi trên gót chân
  • Hai ngón chân trái chạm vào nhau cho cân bằng. 
  • Tay để lên đùi 
  • Nâng mông lên để đùi vuông góc với sàn nhà 
  • Tách hai đầu gối  và hai gót chân rộng bằng hông 
  • Co hai bàn chân và cổ chân lại song song với sàn nhà 
  • Cuộn mông xuống cho thắt lưng giãn ra
  • Gấp hông về trước và tay nắm lấy bắp đùi sau
  • Mở vai rộng, cuộn môn xuống để hông căng ra 
  • Từ đây, nâng ngực lên trời 
  • Tay nắm lấy gót chân, và ngã đầu ra sau.

Thư giãn sâu:

  • Nằm ngửa trên sàn, 2 chân tách nhẹ ra 2 bên, 2 mũi bàn chân hướng sang 2 bên, 2 tay cách thân người chừng 15 độ, lòng bàn tay hướng lên, sao cho lồng ngực được mở rộng, đầu giữ thẳng nhưng thả lỏng, mắt khép hờ 
  • Ý thức, cảm nhận từng bộ phận trên thân, cảm nhận tới đâu thì nhắc mình thả lỏng tới đó cho tới khi toàn thân như tan chảy ra giữa sàn nhà
  • Vẫn duy trì sự tỉnh thức nhưng hoàn toàn thư giãn, lắng nghe hơi thở, cảm nhận sự thư giãn sâu trên thân và tâm trí.

5. Tác dụng chi tiết của bài tập:

Chuỗi tư thế Ngồi Làm Việc – Cái Bàn Ngược:

  • Mở khớp vai, điều chỉnh tật gù lưng
  • Làm mạnh và săn chắc cơ vai sau, lưng, mông, đùi và cánh tay
  • Cân bằng các trung tâm năng lượng trên cơ thể giúp cân bằng thân tâm trí.

Tư thế lạc đà:

  • Giúp kéo dãn cơ ngực, bụng, cơ thắt lưng chậu và cánh tay giúp cơ thư giãn, tránh co rút sau tập luyện
  • Mở rộng lồng ngực, tăng dung tích phổi, cải thiện chất lượng hơi thở
  • Giúp cột sống linh hoạt, khoẻ mạnh.

6. Hành trình sau ngày thứ 5 – Lợi ích lâu dài & Những lưu ý quan trọng.

Đến ngày hôm nay, trong video của ngày 5 này, các anh chị đã hoàn thành trọn bộ bài tập cực kỳ tinh gọn mà Tâm cùng Drinkizz biên soạn và sản xuất dành tặng các anh chị nhằm giúp các anh chị đạt được những kết quả sau:

  • Cải thiện chất lượng hơi thở
  • Giúp tăng sức mạnh của ty thể
  • Săn chắc cơ bắp
  • Giảm mỡ toàn thân
  • Và bình an tâm trí

Sau khoảng 3 – 6 tháng tập luyện đều đặn, dễ dàng như việc ăn cơm mỗi ngày, các anh chị sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trên chính thân tâm mình

  • Hơi thở sâu và chậm hơn một cách tự nhiên. Hơi thở quá nhanh là thể hiện của một tâm trí vọng động, thiếu sự bình an, dẫn đến rối loạn nội tiết tố làm cho sức khoẻ kém. Sau khoảng 3 tháng kiên trì tập luyện chúng ta sẽ thấy rằng, hơi thở tự nhiên của mình có thể chậm lại chỉ còn 10 – 15 nhịp mỗi phút.
  • Tập luyện mỗi ngày giúp khí huyết lưu thông, kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nhờ vậy mà mỗi tế bào trong cơ thể nhận được đầy đủ dưỡng chất và năng lượng để sửa chữa, tái tạo. Mỗi tế bào khoẻ mạnh đồng nghĩa với ty thể bên trong tế bào – nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào khoẻ mạnh sẽ cung cấp năng lượng hiệu quả, nhanh chóng cho toàn bộ các mô và chức năng trong cơ thể, biểu hiện là chúng ta luôn cảm thấy khoẻ khoắn, tràn trề sức sống. Hiện tại, nếu như chúng ta làm việc 8 giờ đã thấy đuối sức thì sau hơn 3 tháng tập luyện đều đặn, chúng ta có sức làm việc thêm 2 đến 4 giờ nữa.
  • Săn cơ và giảm mỡ. Sau khoảng 3 tháng tập luyện đều đặn kết hợp với ăn uống và sinh hoạt đều độ, các anh chị sẽ cảm thấy yêu cơ thể mình hơn khi có được một cơ thể gọn gàng và săn chắc hơn. Các anh chị có thể trút bỏ được từ 1 đến 3 kg mỡ dưới da và mỡ nội tạng để lộ đường nét cơ bắp rõ hơn và sức khoẻ tim mạch cũng được cải thiện.
  • Đặc biệt là các anh chị sẽ cảm nhận được sự bình an, cân bằng tâm trí rõ ràng sau mỗi buỗi tập. Nếu như hiện tại, các anh chị có đầy ắp những cảm xúc đến từ áp lực công việc hoặc từ các mối quan hệ trong gia đình và xã hội mà cảm thấy khó có thể giải toả để cân bằng trở lại thì hãy kiên trì tập luyện mỗi ngày. Sau mỗi buổi tập, chúng ta có thể cảm nhận những cảm xúc tiêu cực như tan rã ra trả lại sự cân bằng, thư thái. Và sự cân bằng, bình an sẽ được cũng cố theo thời gian tập luyện đều đặn của các anh chị. Nếu hiện tại, các anh chị phải mất cả ngày hoặc vài giờ để giải toả nỗi buồn, cơn giận thì sau hơn 3 tháng tập luyện, các anh chị sẽ thấy mình lấy lại được sự quân bình chỉ trong vòng 1 giờ hoặc sau vài phút tập luyện.

Để đạt được những điều tuyệt vời kể trên, Tâm có vài lưu ý đến anh chị:

  • Tập trọn bộ bài tập này ít nhất 5 ngày/tuần
  • Tập vừa sức của mình. Hãy tăng số lần tập mỗi hiệp (từ 5 – 15 lần) hoặc tăng số hiệp (từ 2 – 3 hiệp) cho mỗi bài tập nếu cảm thấy bài tập quá nhẹ, hoặc giảm số lần tập và số hiệp nếu cảm thấy bài quá nặng.
  • Hôm nào khoẻ chúng ta có thể tập nhiều hơn, hôm nào không được khoẻ chúng ta có thể tập ít lại.
  • Sinh hoạt đều độ. Nên đi ngủ trước 23:00 và dậy trước 6:00 mỗi ngày.
  • Tránh hoặc hạn chế nguyên nhân gây stress.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Ăn uống những thực phẩm lành sạch, an toàn và tốt cho sức khoẻ.
  • Hãy thường xuyên thư giãn 
  • Và cuối cùng là hãy hướng đến những điều tích cực, thiện lành trong cuộc sống.

CHÚC CÁC ANH CHỊ BÌNH AN – KHOẺ MẠNH – HẠNH PHÚC

Tác giả
Đăng vào
Với sự cộng tác của
Thiết kế hình ảnh
Lượt xem
Share on facebook
Share on linkedin
Share on email
No Thoughts on YOGA ĐỂ TĂNG NĂNG LƯỢNG – SĂN CƠ – GIẢM MỠ NGÀY 5

Leave A Comment

Tham gia vào cộng đồng O.N.E để “Yêu năng lượng bản thân”
và nhận tin tức hấp dẫn hàng tuần!

    ĐẶT CÂU HỎI

    Bạn muốn biết nhiều hơn về Drinkizz hoặc bạn có câu hỏi về sản phẩm của chúng tôi, vui lòng điền thông tin và cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ nhanh chóng liên lạc với bạn bằng email. Cảm ơn và giữ năng lượng tích cực của bạn!




    More Questions?
    Call us at 09 83 82 44 77. 
    You can reach us Monday to Saturday, between 8:30AM to 6:00PM (ICT). We’ll happily answer all of your questions and receive your order. 

    Contact Us

      ĐẶT CÂU HỎI

      Bạn muốn biết nhiều hơn về Drinkizz hoặc bạn có câu hỏi về sản phẩm của chúng tôi, vui lòng điền thông tin và cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ nhanh chóng liên lạc với bạn bằng email. Cảm ơn và giữ năng lượng tích cực của bạn!